Xuyên Đến Năm Mất Mùa, Ta Trở Thành Mẹ Chồng Cực Phẩm

Chương 184: Trình Chiêu bị thư viện đuổi học 2




Trình lão thái thái xắn tay áo: "Ta biết sơn trưởng của thư viện Nam Phủ, người cũng một bó tuổi mà còn chèn ép một hài tử hay sao, để xem lão bà ta mắng hắn như thế nào!"

+

Trình Chiêu kéo hai người lại, gằn từng chữ một: "Cháu bị gạch tên là do cháu đã gian lận trong lúc khảo thí, một kẻ gian lận thì vĩnh viễn không thể tham gia khảo thí."

1

Nói rồi hắn khom lưng mang hai rương đồ đi vào trong.

Trình lão thái thái và Trình đại tẩu nhìn nhau, cả hai đều là nông phụ nhân gia, cả đời sống ở trong thôn làng, không thể hiểu được ý nghĩa của những lời Trình Chiêu vừa nói.

Hai người còn chưa kịp ngẫm kỹ, Trình Chiêu đã từ trong nhà đi ra, nói: "Mấy năm nay vì con đọc sách mà trong nhà đã tốn không ít bạc, người trong nhà đều vì vậy mà vất vả. Từ nay về sau, a nãi cùng a gia, cha nương đều không cần vì con mà xoay sở phí thúc tu. Con còn muốn biết mấy năm nay, nhị cô đã cấp cho con bao nhiêu bạc để đọc sách?"

Trình đại tẩu nhăn mặt: "Nhị cô của con gả cho gia đình chẳng tốt đẹp gì, một văn tiền cũng không có, mỗi năm mang một ít lương thực về đây ra vẻ. Năm trước trượng phu của nàng qua đời, nhận được hai mươi lượng bạc tiền tuất bạc liền mang về đây, những cái khác một văn tiền cũng không có."

Trình Chiêu dừng một lúc rồi nói: "Mỗi tháng đến kỳ nộp phí thúc thu, nhị cô đều mang bạc tới Trình gia, ít thì cũng trăm văn tiền, nhiều thì cũng một, hai lượng bạc, nhiều năm như thế, tính đến thời điểm hiện tại thì ít nhất nhà ta đã thiếu nhị cô tổng cộng năm mươi lượng bạc."

1

"Hài tử này, con nói hươu nói vượn cái gì đó!" Trình lão thái thái trừng mắt: "Nàng là nhị cô của con, bạc không cấp cho con thì cấp cho ai, con dùng bạc của nàng là hợp tình hợp lý, sao lại nói là thiếu nợ nàng."

"Cứ như vậy đi, con nợ nhị cô năm mươi lượng bạc, số bạc này không liên quan gì đến Trình gia cả." Trình Chiêu từ tay áo lấy ra một túi bạc: "Đây là bạc khi nhàn rỗi con chép sách kiếm được, cứ cầm số bạc này trả trước cho nhị cô."

Nói rồi hắn liền muốn lui đi.

Trình đại tẩu liền bắt lấy cánh tay hắn: "Chiêu nhi, con có phải là đọc sách đọc đến điên rồi không? Nhị cô con không đưa bạc cho con đọc sách thì đã đành, sao giờ phải mang bạc đưa cho nàng chứ? Con cứ yên tâm đọc sách, chuyện này nương cùng cha con sẽ nghĩ cách, không có chuyện để con không thể tham gia thi tú tài. Con cũng đừng phí bạc, bạc này trước mắt nương giữ cho con."

Trình Chiêu im lặng, mím môi.

Trước đây hắn vô tư nhận bạc của nhị cô là vì nghĩ sau này mình ắt sẽ công thành danh toại, lúc đó sẽ có thể báo đáp nàng thật tốt.

Thế nhưng hiện tại hắn đã bị thư viện gạch tên, cả đời đều không thể thoát ly khỏi thôn Trình gia. Đôi tay dùng để đọc sách viết chữ này lại phải làm việc đồng áng, hắn không khỏi cảm thấy khó chịu, nhưng cũng không còn cách nào khác.

Hắn rõ ràng không có gian lận nhưng có đến hai người có thân phận thông đồng nhau vu hãm cho hắn, nhân chứng cùng vật chứng đầy đủ, sơn trưởng cũng không thể nói được gì, hắn cũng không có cơ hội minh oan cho mình.

1

Bước khỏi cổng thư viện, hắn liền nghĩ mấy năm nay vì lo cho hắn đến thư viện đọc sách, người trong nhà đã vất vả quá nhiều.

Lại nói đến nếu đỗ tú tài, hắn vẫn phải tiếp tục ôn luyện kinh thư, đọc sách mấy năm nữa lại thi cử nhân. Học vị cử nhân lại chưa chắc thi một lần đã đỗ, có khả năng lại mất thêm vài năm, vì một tương lai vô định mà khiến cả nhà tiếp tục chịu khổ như vậy sao?

Hắn trầm mặc rời khỏi Trình gia.

Trình đại tẩu vỗ đùi nói: "Hài tử này bị mỡ heo che mắt rồi sao, sao có thể thật sự mang bạc đi trả chứ. Điên rồi, đúng là điên rồi."

"Chỗ bạc đó không phải chuyện lớn, sau này tìm cách đòi về là được. Chuyện quan trọng bây giờ là làm thế nào để Chiêu nhi tiếp tục đọc sách." Trình lão thái thái nghiến chặt răng: "Ta đi tìm lão tú tài trong thôn hỏi thăm một chút, việc Chiêu nhi nhà ta trở thành tú tài không thể bị trì hoãn."

Lúc này, Trình Chiêu đang một đường đi tới thôn Đại Hà.

Hắn nhớ lúc nhỏ đã từng đến một lần, vẫn còn nhớ mang máng đường đi, rất nhanh liền đã tìm thấy đường vào thôn Đại Hà.

Trước cửa thôn có một người đứng gác, trên tay cầm một chiếc gậy dài chắn ngang đường vào thôn.