Cuộc Liên Hôn Sai Lầm

Chương 47: 47: Sinh Nhật Song Sinh





Minh Hoàng nhận lời khiến ông Hưng như vơi được gánh nặng.

Vậy là mai có thể dỗ con gái nhỏ.

Ông nói lại cho vợ, bà Hưng cũng vui mừng.

Minh Hoàng không biết rằng anh vô tình đã trở thành người hùng của gia đình ông bà.
Nghĩ đến mai làm sinh nhật cho con gái nhỏ, ông Hưng chợt nhớ đến con gái lớn.

Dường như ông bà đã quên người con gái này.

Ông Hưng chẳng biết vợ có cùng suy nghĩ với mình hay không.
"Mai cũng là sinh nhật Thụy Khanh.

Mình có nên gọi con bé về không?" Ông Hưng trưng cầu ý kiến vợ.
"Mai Minh Hoàng sẽ đến.

Chỉ sợ Trúc Khanh cảm thấy không an toàn, lại không vui.

Em cũng không biết làm thế nào cho vẹn toàn."
Bà Hưng biết mình làm vậy cũng không công bằng với con gái lớn.

Nhưng giờ tình thương của bà đã nghiêng nhiều về phía con gái nhỏ.

Bà chỉ đành xin lỗi con gái lớn trong lòng.
"Dường như chúng ta đã đối xử thiếu công bằng với Thụy Khanh." Nghĩ đến sự vô tình trong thời gian qua, ông Hưng không đành lòng: "Hay là gọi con bé về ngày mai.

Dù sao nó cũng là con chúng ta rứt ruột sinh ra."
Dù không hoàn toàn đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến tâm trạng con gái nhỏ, nhưng bà Hưng không phản đối chồng.

Vấn đề là ai sẽ gọi cho con gái? Trước giờ đã quen bỏ mặc cô, lời nói đã trở nên gượng gạo.

Ai cũng không cảm thấy tự tin gọi cho cô.

Lần lựa một hồi ông Hưng đành phải bấm số con gái.
Lúc này Thụy Khanh đang ngồi xem lại giáo án của ngày mai, thì máy di động trên bàn phát sáng.

Nhìn thấy số điện thoại nhà, lòng cô liền run lên, tay do dự chưa dám nhấn xuống.
Từng hồi chuông reo vang, cả người gọi và người nghe đều bất an như nhau.

Thụy Khanh sau một lúc rối rắm cũng trả lời điện thoại.

Chẳng biết cuộc gọi này của ba mẹ, hay chị người làm và gọi báo chuyện gì, giọng cô có chút run: "Alo!"
"Là ba đây Thụy Khanh!"
Giọng ông Hưng lại nhẹ nhàng, cố tạo không khí bình thường cho cuộc nói chuyện giữa hai cha con.

Có điều nỗi sợ hãi ba mẹ đã hình thành sâu trong lòng, nên chỉ cần nghe tiếng một trong hai người, Thụy Khanh đã cảm thấy sợ.

Giọng cô rụt rè, cẩn trọng:
"Dạ, ba gọi con có gì không ạ?"
Ông Hưng cũng nghe ra sự sợ sệt của con gái.

Từ bao giờ tình cảm cha con trở nên lợt lạt như vậy? Và từ bao giờ con gái ông lại sợ hãi ông đến mức này? Có phải ông đã đối xử quá tệ bạc với con không?
"Ngày mai sinh nhật con.

Con thích gì ba tặng con."
Đây có thể là lời nói nhẹ nhàng nhất kể từ khi lớn lên Thụy Khanh được nghe từ ông Hưng.

Từ trước đến nay ông bà lo lắng cho Trúc Khanh, mọi tâm tư đều đặt vào cô nên với con gái lớn hai người không kiên nhẫn và rất dễ nỗi giận.
Lúc đầu chỉ vì buồn rầu bệnh tình của Trúc Khanh, nên khó kiểm soát được cảm xúc, dần dần nó trở thành thói quen và giờ đã là bản năng.


Mỗi khi nói chuyện với con gái lớn, ông bà không cần thận trọng, không sợ cô buồn hay bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nên thoải mái thể hiện tâm trạng khiến Thụy Khanh sợ hãi khi phải đối diện với ba mẹ.
Giờ lần đầu tiên nghe được lời nói dịu dàng như vậy, cô có chút xúc động, nước mắt tủi thân lăn dài trên má: "Dạ thôi, con không cần gì hết.

Con cám ơn ba!"
Khoảng lặng giữa hai cha con lại xảy ra.

Vì ít trò chuyện cùng nhau, nên cũng không biết phải nói gì.

Được một lúc ông Hưng cố gắng tìm đề tài để mở miệng:
"Ngày mai con về nhà được không? Ba mẹ tổ chức sinh nhật cho Trúc Khanh.."
Chợt nhận ra lời nói của mình hơi bất ổn, ông Hưng bèn chữa cháy: "Ý ba là tổ chức sinh nhật cho hai chị em luôn."
Thật ra Thụy Khanh không nghĩ gì.

Kể cả ba mẹ tổ chức sinh nhật cho em gái và cô chỉ là người được ké, cô cũng không phiền lòng.

Vì truyền thống gia đình đã hình như thành vậy và Thụy Khanh đã quen.
Tiếc rằng mai cô bận dạy, buổi trưa lại sinh hoạt với cô hướng dẫn.

Kết thúc buổi sinh hoạt đã trễ, nếu cô quay về Sài Gòn cũng đã tàn tiệc, sáng ngày mốt lại không kịp về trường thực tập.

Thụy Khanh đành mở miệng từ chối:
"Dạ chắc con không sắp xếp được.

Con xin lỗi ba!"
Lẽ ra lúc trước nghe lời từ chối của Thụy Khanh, ông đã không vui và sẽ lấy quyền làm cha ra trấn áp, nhưng giờ chỉ cảm thấy tội nghiệp con gái lớn.

Giọng ông không có dấu hiệu nổi giận chút nào:
"Không về được thì thôi con.

Chẳng có gì quan trọng."
Rồi ông hỏi thăm tình hình chuyện học của cô.

Lần đầu tiên được quan tâm, Thụy Khanh cảm động khóc nghẹn ngào.

Đầu dây bên này ông Hưng cũng mềm lòng, dặn dò cô chú ý sức khỏe một lúc rồi mới chịu gác máy.
Chiều hôm sau, Minh Hoàng từ công ty chạy sang nhà ông bà Hưng.

Vì ông Hưng chỉ bảo ăn tối bình thường và nhờ anh khuyên giúp con gái, không hề đá động đến chuyện sinh nhật.

Thế nên lúc anh đến chỉ mang giỏ trái cây và ít đồ bổ cho Trúc Khanh, trên tay không có quà.
Đến lúc thấy bánh kem và Trúc Khanh xúng xính trong chiếc đầm xinh đẹp, trên mặt bánh là tiệc sinh nhật lần thứ hai mươi hai của cô.

Anh lại nghĩ ngay đến một người.

Hôm nay cũng là sinh nhật của người đó.

Nhưng gia đình này chỉ dành điều tốt nhất cho cô bé trước mặt, lại thiếu quan tâm đến người con gái tội nghiệp kia.

Vừa nãy không nghĩ nhiều, chỉ đơn thuần đến đây chơi và an ủi Trúc Khanh, nhưng thấy tiệc sinh nhật của cô được ông bà chăm chút, anh lại buồn cho người đó.
Trúc Khanh thấy anh, lần trước còn giận dỗi và quay lưng, giờ thì không còn chút buồn giận nào.

Cô kéo tay anh đến bên bàn mọi người đã trang hoàng.

Mấy món ăn được bày biện đẹp mắt.

Trúc Khanh trông vui vẻ, khuôn mặt dù vẫn xanh xao nhưng tinh thần tốt hơn nhiều.
Minh Hoàng tạm thời dẹp bỏ suy nghĩ về Thụy Khanh.

Anh ngồi bên cạnh Trúc Khanh, cùng ăn bữa tối với gia đình cô.

Sau đó ông bà Hưng cố ý để không gian riêng cho anh và cô trò chuyện.


Thật ra trong lòng anh bây giờ không có tâm tư gì, anh muốn về ngay, để chạy xuống chỗ Thụy Khanh, may ra còn kịp đón sinh nhật cô.

Nhưng Trúc Khanh vẫn níu tay anh, miệng líu lo: "Tối nay em vui lắm.

Cám ơn anh Hoàng!"
"Em vui là anh mừng.

Em phải giữ sức khỏe.

Cô chú lo cho em lắm.

Đừng để tâm trạng buồn bã, ảnh hưởng đến tim.

Trúc Khanh nghe lời, anh sẽ đến chơi với em.

Lúc nào buồn có thể gọi điện thoại cho anh cũng được.

Anh thích có cô em gái như Trúc Khanh."
Trúc Khanh xụ mặt ngay: "Nhưng em không muốn làm em gái của anh mà."
"Trúc Khanh lại không nghe lời.

Đừng làm anh khó xử.

Nếu em cứ như vậy, anh không dám đến chơi với em."
Lại bị trái ý, Trúc Khanh bắt đầu không vui: "Vậy em không cần anh nữa hu hu hu."
"Thôi được rồi, đừng có khóc.

Trúc Khanh ngoan đi."
Với cô nhóc này đúng là anh không biết phải giải quyết ra sao.

Chỉ thấy tội nghiệp cô, nên không nỡ nói nặng.

Như vậy lại vô tình để cô nắm lấy yếu điểm này làm áp lực với cả anh và ông bà Hưng.
Ngồi một lúc an ủi cho cô bình tĩnh lại, ngó thấy thời gian đã hơn bảy giờ.

Thật ra cũng không trễ, nhưng lòng anh đang có suy nghĩ khác.

Anh muốn chạy đến chúc mừng sinh nhật Thụy Khanh, nếu không đi bây giờ có lẽ trễ mất.

Nên dù Trúc Khanh vẫn đang quấn lấy anh, anh cũng nhất quyết đứng lên.

Cô nhỏ sau khi bắt anh hứa hẹn phải đến chơi thường, mới bằng lòng để anh ra về.
Minh Hoàng bề ngoài không thể hiện gì bất thường nhưng trong lòng vội muốn chết.

Bước chân giả vờ bình tĩnh, nhưng thật ra đang muốn đạp lên nhau.

Ngồi vào xe, anh lái nhanh đến tiệm bánh kem.

Giờ cũng chẳng còn thời gian chọn quà sinh nhật cho Thụy Khanh.

Anh chỉ đành hối người chủ tiệm bánh trang trí vội vàng tên cô và lời chúc sinh nhật trên mặt bánh.
Minh Hoàng vừa lái xe ra khỏi thành phố, vừa gọi điện thoại cho ông nội.

Chuông reo không lâu, giọng ông nội đã vang lên: "Ông nội đây!"
"Ông nội ơi, tối nay con có việc bên ngoài nên không về.

Ông nội đừng chờ con ạ."
"Ai thèm chờ con."
Miệng mồm nói khác suy nghĩ.


Giây trước vừa nói mấy lời trái lòng, giây sau đã hỏi lại: "Mà con đi đâu không về?"
"Dạ con có việc đột xuất ở tỉnh."
"Việc đột xuất gì chứ?" Ông nội không đồng ý: "Cấp dưới của con đâu? Sao cái gì cũng tự thân con vận động vậy? Thuê một đám người để làm cái gì hả?"
Giọng ông nội có chút dỗi.

Cái nhà rộng lớn thế này chỉ có hai ông cháu.

Người già càng lớn càng lo sợ viễn vông.

Cháu nội đích tôn của ông phải ở bên cạnh ông chứ.
Giọng ông nội buồn bực: "Cháu dâu thì không kiếm cho ông, suốt ngày con cứ lo chạy dự án."
Nghe mấy lời trách móc của ông nội, trong đầu Minh Hoàng lập tức xẹt ngang câu trả lời: "Thì con đang đi kiếm cháu dâu cho ông đây."
May là anh thức thời im lặng, nếu không thì ông nội sẽ mong chờ và hỏi anh mỗi ngày.

Tai anh sẽ không được thanh tịnh.
"Mấy chuyện này đâu có gấp được ông nội.

Con cũng đang tìm mà." Minh Hoàng chống chế.
"Con chỉ nói cho có.

Cả ngày chạy dự án, có thấy con hẹn hò với ai.

Ông nội muốn có cháu ẵm bồng.

Ông nội không biết đâu." Ông nội lại chơi xấu.
"Được rồi.

Con sẽ tranh thủ cưới vợ, sanh một đàn cháu cho ông nội, chịu chưa."
"Nói láo người già sẽ bị trời đánh.

Con coi chừng đó."
Hậm hực một lúc rồi ông nội cũng cho anh cúp máy.

Ai chẳng muốn kết hôn, mà bây giờ tìm chưa được.

Người có sẵn thì chẳng có cảm xúc, anh biết phải làm sao? À mà cũng không hẳn.

Bây giờ anh đang đi gặp một người, trong lòng có chút vui vẻ.

Như vậy phải rút lại lời đã nói, chưa hẳn ai anh cũng không có cảm xúc nha.

Minh Hoàng mang tâm trạng phơi phới chạy xuống nơi ở của Thụy Khanh.
Trong lúc này, Thụy Khanh đang theo Đình Thành và nhóm bạn ra ngoài ăn chè mừng sinh nhật cô.

Đình Thành và bạn bè có lòng như vậy, Thụy Khanh đâu thể từ chối thịnh tình của người ta.

Cô và hai bạn nữ thực tập chung, ở cùng khu tập thể với nhau nên kéo ra ngoài.
Mọi người muốn đi bộ ra quán chè gần khu tập thể, nhưng Đình Thành là thổ địa nơi này, theo lời cậu thì mọi người nên đi xe, để chạy vòng vòng ăn thêm vài món lặt vặt khác.

Hai cô bạn kia đành dẫn xe ra và đương nhiên Thụy Khanh phải ngồi phía sau xe Đình Thành.
Cậu bạn được chở người trong lòng, tâm trạng vui sướng ngất ngây.

Ai cũng nhìn ra cậu ta vui hơn, nói nhiều hơn bình thường.

Thụy Khanh không hiểu lòng cậu ta, cô chỉ đơn giản nghĩ là đi ăn một chầu chè, mừng sinh nhật cho vui với bạn bè, không phải ý muốn phức tạp như Đình Thanh đang mong.
Bốn người ăn chè, chạy lang thang một vòng thị trấn, khám phá đường phố về đêm.

Sau đó, dưới sự đề cử của Đình Thành, phải ăn hủ tiếu theo cách nấu đặc biệt của người dân bản địa, để cảm nhận nó khác thế nào so với hủ tiếu Sài Gòn.

Bạn bè đang háo hức muốn thử, Thụy Khanh đành phải đi theo các bạn.
Cùng lúc ấy, Minh Hoàng đã đến trước khu tập thể của cô khi đồng hồ điểm 10 giờ kém.

Thật ra anh sợ cô ngủ sớm, nên cố chạy nhanh hết mức có thể.

Tiếc rằng giao thông ở Sài Gòn luôn luôn đông đúc, Minh Hoàng thoát ra khỏi Sài Gòn cũng đã gần 9 giờ.

Còn may lộ trình sau khi ra khỏi Sài Gòn vắng vẻ hơn, anh có thể tăng tốc.

Dù vậy xuống đến nơi, trời cũng không còn sớm.
Minh Hoàng một tay cầm bánh kem, tay còn lại lấy điện thoại gọi cho Thụy Khanh, nhưng chuông reo mãi không có người nhấc máy.


Anh đành đi đến trước phòng Thụy Khanh gõ cửa.

Nhưng gõ hoài cũng chẳng có ai mở.

Anh cố gọi lại cho cô, chuông reo một lúc rồi tự động ngưng.

Trong lòng anh bắt đầu sốt ruột.

Giờ này Thụy Khanh còn đi đâu? Không phải cô nên ở yên trong phòng sao?
Trễ thế này cô còn chạy ra ngoài.

Nơi này không quen thuộc như ở Sài Gòn, cô nhỏ này không chịu yên phận cho anh nhờ.

Anh không lo cô đi chơi, chỉ sợ cô lại làm thêm, hoặc nhận lời dạy kèm ai đó.

Nhưng nếu có việc ra ngoài, anh gọi nãy giờ cô nên nghe máy, sao không chịu trả lời anh? Hay là cô xảy ra chuyện gì rồi?
Vì lòng lo lắng, nên Minh Hoàng đi tới phòng cách vách gõ cửa.

Gõ một lúc cũng chẳng thấy ai trả lời.

May mắn phòng cuối dãy có người mở cửa, thấy anh đứng đó nên cất giọng hỏi anh tìm ai.
"Anh có biết Thụy Khanh phòng này đi đâu không ạ?"
"À cô Khanh đi sinh nhật rồi.

Cô ấy chắc đi loanh quanh gần đây.

Anh đợi chút cô ấy về.

Anh qua phòng đây ngồi đợi nè." Người kia nhiệt tình.
"Thôi, cám ơn anh! Để tôi đi ra ngoài một chút sẽ quay lại."
Minh Hoàng ra xe, lái một vòng, hy vọng gặp nhóm Thụy Khanh trên đường.

Nhưng hôm nay trời không giúp anh, chạy một vòng trung tâm thị trấn, vẫn không thấy bóng dáng cô.

Anh đành phải quay lại chỗ tập thể cô ở.

Ngồi ngoài ghế đá đầu cổng khu đợi Thụy Khanh.
Tuy nhiên đợi đến gần 11 giờ kém cũng chưa thấy bóng dáng cô.

Minh Hoàng bắt đầu sốt ruột.

Đợi thêm một lúc, sự kiên nhẫn của anh cũng gần cạn kiệt, lúc này mới thấy hai chiếc xe dừng lại trước cổng.
Điều khiến anh bực mình là Thụy Khanh đang xuống từ sau yên xe của cậu bạn học.

Anh có thể nhìn ra cậu ta thích Thụy Khanh, ánh mắt bịn rịn, thái độ lưu luyến.

Anh dám cá nếu giờ yêu cầu cậu ta chở cô đi khắp nơi suốt đêm, cậu ta cũng sẵn lòng.

Nhìn nụ cười của Thụy Khanh vui vẻ tạm biệt cậu ta, tự nhiên lòng anh chua và tức giận mà chính anh cũng chưa hiểu tại sao.
Tạm biệt nhau xong cậu ta lên xe chạy đi, lúc này hai cô bạn và Thụy Khanh mới quay đầu đi vào cổng khu.

Có lẽ anh ngồi khuất dưới tàn cây và ánh sáng không đủ, ba người vẫn chưa nhận ra sự hiện diện của anh.

Một cô đang dắt xe, Thụy Khanh đang đi bên cạnh cô kia nói gì đó, không hề hay rằng có người chờ cô đến lòng nổi bão.
Khi Thụy Khanh sắp vượt qua, thì Minh Hoàng gọi tên cô.

Thụy Khanh lúc này mới giật mình nhìn thấy một đống đen, đang ngồi thù lù trên ghế đá dưới bóng cây u tối.

Còn may có hai cô bạn đi cạnh, nếu không cô đã hét vang bỏ chạy.
Khi nhìn ra được Minh Hoàng đang ở trước mặt, giọng Thụy Khanh reo lên: "Anh Hoàng sao lại ở đây giờ này?"
Thấy người quen của Thụy Khanh, hai cô bạn yên tâm nên đưa tay tạm biệt cô đi vào cổng khu trước.

Thụy Khanh bước như chạy về phía anh, lòng cô thật ra đang rất vui, nhưng Minh Hoàng lại trái ngược.
Anh nhớ hình ảnh cô ngồi phía sau xe cậu thanh niên kia, trong lòng chua lét.

Anh cất công chạy một quãng đường xa xuống mừng sinh nhật với cô, đổi lại cô đã không mong chờ.

Cô đi chơi, mừng sinh nhật với bạn bè vui vẻ, không cần anh, Nhưng thật ra Thụy Khanh đâu có lỗi, chỉ là không hiểu sao anh lại cảm thấy vô cùng tức ngực.
(Còn tiếp).