Cuộc Sống Ở Bắc Tống

Chương 151: Tới cửa làm loạn




Ngưu phu nhân rốt cuộc là trưởng bối, Lâm Y có phản cảm bà này gây khó dễ cỡ nào cũng không thể vì một chút việc nhỏ liền trở mặt, vì thế cố ý không quan tâm câu nói trước đó. “Cháu thật sự là nhát gan, nhưng chuyện này không liên quan đến việc mở cước điếm hay không”.

Ngưu phu nhân liếc nàng từ trên xuống dưới, nói. “Cháu là thật không biết hay giả không biết, triều đình đã sớm ban lệnh rõ ràng rằng quan lại trong kinh thành, trong triều lẫn ngoài các châu đều cấm không được phép bán buôn, ở kinh thành ngoại trừ phòng ốc do chính nhà mình ở cũng không được đặt mua sản nghiệp”.

Chẳng lẽ quan lại người ta chấp nhận sống cảnh khốn cùng mà cũng nhất quyết không buôn bán, không chỉ vì quan niệm khác biệt mà còn có nguyên nhân như thế sao? Nếu thật sự là vậy, từ lúc khai trương đến giờ, có rất nhiều phu nhân nhà quan lại ghé đến, sao không ai nhắc nhở Lâm Y? Hay là bọn họ đều biết rõ trong lòng, nhưng cố ý muốn nhìn Lâm Y xui xẻo? Có lẽ giờ đây đã có người đệ tấu chương tố Trương Trọng Vi? Lâm Y biết rõ Ngưu phu nhân đến tình cảnh này mới nói chính là ôm mục đích riêng, nhưng vẫn nhịn không được suy nghĩ miên man.

Ngưu phu nhân nhìn ra Lâm Y vẫn để bụng, thêm mắm thêm muối vào nói. “Trước có viên quan Thái tử Tẩy mã* thôi, vì ‘ngồi chức tri châu Quỳnh Châu, ngày ngày kiếm lời’ mà bị biếm chức quan, pháp lệnh cũng quy định, đừng nói quan viên không thể buôn bán, ngay cả lúc đi nhậm chức mà mang theo hàng hóa đến đó bán cũng không được”.

*Thái tử Tẩy mã : chức quan của người theo hầu thái tử, kiểu như thư đồng của các quý công tử.

Ngưu phu nhân nói có mắt có mũi, không phải Lâm Y không tin, nhưng nàng có tin thế nào đi nữa cũng không dám tỏ vẻ, miễn cho càng rơi vào thế bị động, nàng nói. “Ngày mai cháu dẹp điếm, về quê trồng trọt”.

Nàng nói thế, Ngưu phu nhân ngược lại không biết tiếp lời thế nào, ngượng ngùng nói. “Ta cũng mới nhớ tới thôi, sợ các cháu bị hại nên nhắc nhở, không phải cố ý hù dọa”.

Lâm Y nương theo lời bà ta, thực giả bộ hoảng sợ, đứng phắt dậy. “Bà ngoại về trước đi, cháu đi tìm Trọng Vi thương lượng, đóng cửa dẹp điếm, tiền đồ của chàng vẫn quan trọng hơn”.

Ngưu phu nhân tưởng Lâm Y tin lời mình thật, vài phần áy náy, cũng lại vài phần mừng thầm, nghĩ bụng nếu Lâm Y đóng cửa, chính bà ta sẽ mở một nhà, đón lấy cơ hội làm ăn này. Bà ta càng nghĩ càng thấy ngon lành, liền rời khỏi tửu điếm nhà họ Trương, về nhà thương lượng với Dương Thăng.

Lâm Y tuy hiểu được Ngưu phu nhân làm quá lên hù dọa nàng, nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm lo âu, đợi Trương Trọng Vi về nhà, lập tức kéo chàng hỏi cẩn thận. Trương Trọng Vi cười. “Triều đình ban bố lệnh cấm là vì phòng ngừa có quan lại mượn danh buôn bán để dùng chức vụ mưu cầu lợi ích cá nhân. Cước điếm nhà chúng ta là tay làm hàm nhai, sợ chuyện gì”.

Lâm Y nửa tin nửa ngờ. “Thật sao? Sự tình liên quan đến tiền đồ của chàng, nên hỏi thăm rõ ràng”.

Trương Trọng Vi thấy nàng vẫn lo lắng, an ủi. “Em yên tâm, chức quan nhỏ như ta, không quyền không thế, lại không cản đường ai, nào có người nào rảnh rỗi đến chọc ngoáy ta? Còn chuyện bà ngoại nói viên quan Thái tử Tẩy mã là xảy ra năm Khai Bảo, pháp lệnh có từ thời Chân Tông, bao nhiêu năm trôi qua, quan viên kinh thương chỉ có tăng không thấy giảm, chưa từng nghe nói có ai bị giáng chức”.

Lâm Y nghe chàng nói xong, yên tâm hơn nhiều, càng cảm thấy bản thân bị lừa, chuyện mấy chục năm trước Ngưu phu nhân còn lôi ra nói, chỉ để phỉnh nàng. Nàng vừa tức giận vừa ấm ức, nói với Trương Trọng Vi. “Em ước gì ngày xưa đừng ở nhà bà ấy, không nợ bà ấy ân tình, còn hơn rơi vào thế bị động như bây giờ”.

Trương Trọng Vi cho rằng Ngưu phu nhân rắp tâm hù dọa vãn bối, hại nương tử chàng lo lắng hãi hùng, thật sự là quá phận, chàng nói. “Sau này đừng cho bà ta mặt mũi nữa, bà ta cho chúng ta ở nhờ chẳng qua là nể mặt phụ thân làm quan, bằng không em ngẫm lại trước kia đi, em và mẫu thân đến nhà bà ta, trà còn chưa uống một hớp đã bị bà ta đuổi ra khỏi cổng”.

Trương Trọng Vi kiên cường khiến Lâm Y vô cùng an tâm, nhào vào lòng chàng rì rầm. “Lần sau bà ta muốn em đi mời phủ doãn đại nhân, em không bao giờ đi”.

Trương Trọng Vi vì dỗ nàng vui vẻ, liền hỏi nàng hôm nay làm ăn thế nào, quả nhiên thành công dời lực chú ý của Lâm Y sang chỗ khác, nàng tinh thần phấn chấn lấy sổ sánh và bàn tính ra, gẩy lóc cóc tính cho chàng xem.

Trương Trọng Vi dù cũng quan tâm nhà mình buôn bán sao, nhưng không quan tâm sổ sách, ngồi bên cạnh nghe ngủ gà ngủ gật, Lâm Y lúc này mới nhận ra là mình bị dụ sang nói chuyện khác, sẵng giọng hờn dỗi. “Chàng đi làm việc chưa được mấy ngày mà bản lãnh đã tăng lên không ít”.

Trương Trọng Vi yêu nhất nàng giận dỗi, ôm nàng hôn lên miệng, nói. “Chúng ta mấy ngày rồi chưa…”. Lời còn chưa dứt, thím Dương bên ngoài gõ cửa. “Nhị thiếu phu nhân, có khách gọi cơm đĩa”.

Lâm Y vội vàng lên tiếng, đẩy Trương Trọng Vi ra, đứng trước gương sửa sang đầu tóc. Trương Trọng Vi thở dài một chút, nói. “Nương tử, ta thấy em mở điếm càng vất vả hơn ngày xưa trồng trọt ở nông thôn, trồng trọt có mệt đến mấy tốt xấu gì buổi tối cũng được nghỉ ngơi, em bây giờ thật sự là chẳng phân biệt được ban ngày ban đêm”.

Lâm Y nói. “Đã mở tửu điếm cũng không thể trời vừa sụp tối liền đóng cửa, em cũng không có cách nào”.

Trương Trọng Vi nói. “Sắp cuối tháng, ta nhận bổng lộc, chờ có tiền, ta thuê thêm một người đến phụ giúp em, thế nào?”.

Lâm Y vội vã đi làm cơm đĩa. “Đến lúc đó lại tính vậy”.

Trương Trọng Vi thấy nàng vội vã ra ngoài, thật sự là đau lòng nàng ngày đêm mệt nhọc, liền đi theo, xuống bếp hỗ trợ nàng một tay. Hai người vừa vào phòng bếp, thím Dương đã chạy đến, vội hỏi. “Nhị thiếu phu nhân, cơm đĩa chưa làm phải không?”.

Lâm Y cẩm chảo lên, lắc đầu. “Còn chưa kịp, thế nào, khách muốn đổi món?”.

Thím Dương xua tay. “Không phải, vị khách kia cũng không tới uống rượu, tới mua cơm đĩa thôi”.

Lâm Y nói. “Vậy thím bảo chị ta ra phía sau xếp hàng mua”.

Đang nói, phía trước điếm vang lên tiếng la hét ầm ĩ, thím Dương vừa nghe liền nói. “Là vị khách chỉ mua cơm không uống rượu đó, vừa rồi bảo cô ta ra phía sau, cô ta không chịu, không biết bây giờ lại bị sao đây”.

Lâm Y bỏ chảo xuống, đưa chìa khóa phòng bếp cho Trương Trọng Vi bảo chàng khóa cửa lại, theo thím Dương ra phía trước. Trong điếm, vị khách mà thím Dương nói là một phụ nữ trên ba mươi, mặc quần áo cũ nát, khăn lam quấn đầu, đang khắc khẩu với Chúc bà bà. “Tửu điếm các người làm ăn kiểu gì, nếu vào được sao không cho ta ăn cơm?”.

Chúc bà bà còn chưa tiếp lời, một nương tử mặc áo hoa bên cạnh đã cười nhạo. “Nếu biết là tửu điếm vì sao không mua rượu, chỉ ăn cơm, đây cũng không phải quán ăn”.

Lời này tuy có phần muốn giúp chủ điếm, nhưng người phụ nữ quấn khăn lam kia nghe xong như lửa cháy đổ thêm dầu, chị ta đặt mông ngồi xuống ghế, không chịu đứng lên, vỗ bàn rầm rầm. “Có bản lãnh thì đừng bán, nếu đã bán vì sao không cho ta ăn? Hôm nay các người không bưng cơm đĩa lên, ta sẽ không đi”.

Thím Dương nhíu chặt mày, nhỏ giọng nói với Lâm Y. “Tôi nhìn khí thế cô ta thì nhất định là đến làm loạn, nhưng kiểu ăn mặc lại không đúng, hẳn là có người thu mua đến quấy phá chúng ta”.

Lâm Y nói. “Vào cửa thì là khách, mặc kệ lai lịch ra sao, không thể ức hiếp, những vị khách khác đều đang nhìn”.

Chúc bà bà cũng tới, cười nói. “Lúc tôi mở tửu quán nhỏ, thứ khác không học được, riêng học được cách đối phó với loại người như thế này, Nhị thiếu phu nhân chờ xem tôi làm việc”.

Lâm Y là coi trọng kinh nghiệm làm ăn của Chúc bà bà mới mướn bà tới làm, bởi vậy cũng cực muốn nhìn xem khả năng của bà, gật đầu bảo bà đi.

Chúc bà bà đến chỗ người phụ nữ quấn khăn lam, cúi người cúi đầu, tư thế cực kì cung kính, hỏi. “Nương tử, cơm đĩa ở điếm chúng tôi ngoại trừ một chén cơm trắng có thêm hai món mặn hai món chay, cộng thêm hai thức ăn kèm là củ cải muối cay và sùng thảo ngâm tương, còn có một chén canh. Ăn kèm và canh là tặng, món mặn mỗi thứ ba mươi ba văn, món chay mỗi thứ mười ba văn, không biết nương tử ăn mấy mặn mấy chay?”.

Chị ta trợn mắt, lớn tiếng chất vấn. “Bà khi dễ ta không biết? Món mặn rõ ràng là mỗi thứ hai mươi lăm văn, món chay mỗi thứ mười văn”. Nói xong đứng dậy, dang tay kêu la. “Mọi người mau đến mà xem, đúng là điếm lớn khinh khách, cước điếm nhà họ Trương thấy ta ăn mặc rách nát liền nâng giá lên đuổi ta đi”.

Tửu điếm nằm trong ngõ nhưng chị ta làm rùm beng lên, trước cửa nhanh chóng có một tốp người tụ lại, trai gái đều có, các nữ khách khác trong điếm vốn có người đang mắng người đàn bà kia nghèo kiết hủ lậu, nghĩ muốn giúp chủ quán đuổi chị ta đi, nhưng vừa thấy trước cửa có đàn ông vây xem, lập tức tính tiền rời đi. Thậm chí có kẻ đục nước béo cò, chưa trả tiền đã nghĩ chuồn đi, bị thím Dương bắt lấy, còn nói năng hùng hồn. “Ta ngồi trong điếm nhà các người bị hoảng sợ, còn bị đàn ông vây xem, chưa đòi các người bồi thường tổn thất thì thôi, còn đòi tiền ta?”.

Thím Dương kéo không được, người kia chui tọt vào đám đông chạy mất, muốn chạy theo lại lo lắng trong điếm không đủ người, đang do dự, Lâm Y gọi bà. “Trừ phi cô ta không bao giờ đến đây nữa, bằng không luôn luôn có lúc đòi lại được, trước lo đuổi kẻ gây rối này đã”.

Lúc này, người đàn bà kia thấy mình đã dọa hết khách trong điếm đi, đắc ý phi phàm, đang chuẩn bị lẩn mất, Chúc bà bà cất bước nắm chặt cánh tay chị ta, nói. “Náo loạn xong còn muốn chạy? Mau theo ta đi gặp quan”.

Chị ta tuổi trẻ sức cũng lớn, hất một phát liền thoát thân, Chúc bà bà đâu chịu để chị ta chạy, tiếp tục tiến lên bắt lấy, hai người một bắt một trốn, đợi thím Dương quay lại giúp đỡ, hai người bọn họ đã xoắn thành một nùi.

Thím Dương tốn sức mới tách bọn họ ra được, tập trung nhìn vào, cổ Chúc bà bà bị cào vài vết đỏ, đều do người đàn bà kia làm, có điều chính chị ta cũng không tốt đi đâu, tóc bị kéo tơi bời một bên. Lâm Y hận nói. “Dưới chân thiên tử lại có điêu dân làm loạn, thím Dương mau lấy dây thừng ra đây, trói chị ta đi gặp quan”.

Người đàn bà kia vùng dậy định bỏ chạy, thím Dương chạy đến túm lấy váy áo chị ta kéo thật mạnh, còng chặt hai tay chị ta, chị ta liều mạng giẫy giụa, nhưng thím Dương ở nông thôn đã quen làm việc nặng, sức lực cũng lớn, căn bản tránh không thoát, chị ta quýnh quáng lên, kêu la. “Các người dám bắt ta? Có biết ai sai ta tới hay không, nói ra các người phải nhảy dựng lên!”.

Lâm Y cầm biển “Đóng cửa” ra treo trước điếm, lại đóng cửa lại, cười dài hỏi. “Là ai, ta đang muốn biết đây, nói nghe xem thử”.

Người đàn bà quấn khăn lam thấy nàng đóng cửa, hoảng lên, gào hướng cổng. “Đừng tưởng các người đóng cửa liền không có ai biết, những người đến xem náo nhiệt còn đang ở bên ngoài kia!”.