Đông A Nông Sự

Chương 106: Cao Gia 3






Thái Đường và Cao lão vui vẻ ôn lại ít chuyện cũ, lúc nhỏ Thái Đường được đưa về Tức Mặc để Tuệ Chân Phu nhân dạy dỗ, nàng cùng với Phụng Dương công chúa thân như chị em ruột.

Đến khi Phụng Dương lấy Quang Khải mới về kinh.

Tuổi thơ của nàng chính là ở Tức Mặc.
Thanh niên Cao Trường Cung lúc trước có chút hiểu nhầm Bách nhưng hắn rất có phong độ.

Chứng kiến tài học của Bách thì trong lòng bội phục.

Cũng nâng chén mời Bách:
- Ta hôm nay chứng kiến toán thuật của ân công mới biết thế nào là núi cao còn có núi cao hơn.

Mong sau này được ân công chỉ bảo thêm.
- Trường Cung huynh khách sáo rồi, ta thấy huynh toán thuật cũng đã có cơ sở vững chắc.

Chỉ là ta được ân sư chỉ cho nhiều phương pháp giải toán mới mẻ hơn thôi.

Dần dần cũng sẽ mang những cách này ra trao đổi hết với huynh.
- Vậy đa tạ ân công!
- Đừng gọi ta là ân công nữa.

Gọi ta là Hoàng Bách là được.
Cao lão lúc này quay sang hỏi:
- Nghe ân công nói thì có vẻ ngài đang được Trần tộc trọng dụng, hiện nay đang làm chức gì?
- Ta được Thượng hoàng và Quan gia để mắt, đầu năm có lập một công tích được phong tước Hầu, còn quan chức? Thiết Sử có tính là quan chức không?
- Thiết Sử? Quan coi việc rèn sắt đúng không?
- Đúng vậy, đầu năm có tìm cho triều đình một mỏ thép, lại dùng cách luyện sắt mới để làm tăng sản lượng sắt làm ra.
- Ân công cũng thông thạo chuyện luyện sắt.

Vậy khi khai mỏ trăm cân quặng thì luyện được bao nhiêu cân sắt?
- Mỏ trên Như Nguyệt Giang Lộ chất lượng quặng khá tốt, trăm cân quặng luyện ra chừng được 60 cân sắt, nhưng cũng có chỗ chỉ được 50 cân thôi.
Cao Trường Cung thốt lên:
- 50 cân cũng đã quá tốt rồi.

Sao ân công làm được như thế?
- Cái này là vấn đề về nhiệt độ.

Thực ra quặng sắt là một hỗn hợp sắt và tạp chất.


Cách luyện trước kia của chúng ta là dùng than để nấu quặng.

Tuy nhiên, dùng cách này nhiệt độ không đủ để làm chảy sắt ra khỏi hỗn hợp.

Ta lấy than mỡ, luyện trong một lò kín để tạo thành một loại than mới gọi là than cốc.

Than cốc này khi cháy sức nóng rất lớn, đủ làm chảy sắt trong quặng, chính vì vậy ta thu được nhiều sắt hơn.
Ba người nhà họ Cao há hốc mồm:
- Ân Công thật là cao kiến, luyện ra được nhiều sắt thì nước Việt ta lo gì không phát triển, thoát ly lệ thuộc vào phương Bắc.
- Đúng vậy, luyện được sắt thì nông cụ, vũ khí, tàu thuyền đều sẽ được nâng cấp.

Lúc đầu ta đặt mục tiêu trăm vạn cân sắt một năm.

Nhưng khảo sát mỏ này thì thấy, mạch quặng kéo dài, lại lộ thiên nên dễ khai thác.

Nếu đẩy nhanh nhân lực vật lực, có thể đạt sản lượng một năm khoảng nghìn vạn cân.
Cao lão nghe hắn nói, khuôn mặt bỗng trở nên tái mét, trầm tư hồi lâu rồi chán nản:
- Ôi! Ta làm hỏng việc rồi.

Sao ta không gặp ân công sớm hơn!
Bách nghe thế, không hiểu lão nói vậy là có ý gì.

Chỉ đành cười, tiếp tục mời rượu lại ba người nhà Cao gia.

Ăn xong thì cũng đã nửa đêm.

Người Cao gia sắp xếp phòng ốc cho hai người nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, hắn mệt mỏi tỉnh dậy, lo lắng bọn Trần Cung bên ngoài sốt ruột.

Lấy lý do có việc gấp, cáo từ Cao lão để về Kinh.

Cao lão không giữ hắn và Thái Đường, nói Cao gia sắp xếp công việc xong sẽ lên Kinh.

Lại đưa cho hắn một túi gấm, dặn về đến nơi thì mở ra xem.

Lại quay sang chỗ Thái Đường, cũng đưa cho nàng một túi gấm, nói về đến Kinh thì đưa cho Thượng Hoàng.
Cao Trường Cung đưa hai người ra ngoài, Cao lão và Điền Công nhìn theo bóng hai người khuất sau um tùm lau sậy rồi mới vào nhà.


Cao lão đi vào chính điện, ngồi sụp xuống ôm ngực.

Điền Công sợ hãi đỡ lấy cha:
- Từ hôm qua cha có vẻ thảng thốt, như vậy là sao?
Cao lão định thần một lúc, quay sang nói với Điền Công:
- Khi xưa tổ tiên tìm ra đế vương cát cục ở Nhân Sơn.

Đây là thế “Tiền vọng tam kỳ giang, hậu chẩm phục tượng sơn, tả hữu thổ lý phúc yêu đái kim, tọa Càn hướng Tốn khóa vân”.

Thế đất này là long mạch, lấy Tam Sơn thành thế voi phục làm đuôi, lấy Tam Giang thành thế Kỳ giang làm đầu, bốn phía có tứ tượng chầu vào.

Trân quý không gì kể xiết, chỉ là khi đó, thiên địa linh khí đã thành hình nhưng chưa tích tụ đủ.

Ngài bấm tay tính toán phải ngàn năm sau thế đất mới có thể dùng được.

Cao gia đời đời trấn thủ ở giữa Tam Sơn chính là vì việc này.
- Nhưng thế đất này càng hấp thu đủ linh khí thì càng nổi bật, hiển hiện một vùng trời, sao có thể che giấu mãi.

Đến những năm cuối triều Lý, có Giác Hải và Thông Huyền liên hợp tính ra được đế vương cát cục này.

Hai người này báo lên Càn Đức.

Tên tham lam này muốn phá đế vương cát cục để Lý triều được duy trì thêm 500 nữa.
- Giác Hải và Thông Huyền theo lệnh Càn Đức lên Chương Sơn xây tháp Vạn phong thành thiện.

Bọn hắn tính toán, ngọn tháp sẽ như cái đinh lớn, cắm vào đuôi rồng, kiềm toả đế vương cát cục này.

Gia chủ Cao gia lúc ấy không thể để tâm huyết ngàn năm của tổ tiên bị phá được.

Bí mật ở Nhân Sơn, làm một Phong địa đài ở phía Đông thi pháp.
Tên Càn Đức ngu ngốc không biết đã bị phép Phong địa phản chấn.

Còn đắc ý khen Giác Hải và Thông Huyền:
"Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo lại huyền
Thần thông cùng biến hóa
Một Phật, một thần tiên".

- Khi Càn Đức lên khánh thành tháp, thấy rồng vàng ẩn hiện, còn tưởng nó bị phong ấn thật.

Hắn sao biết được từ hôm đó đã định mình sẽ tuyệt tự.

Đế vương thông minh như thế mà không hiểu được cái lẽ vật cực thịnh ắt suy.

Làm trò cười cho nhân thế.
- Khi ta tiếp nhận vị trí gia chủ Cao gia, đã được truyền lại tổ huấn.

Cao gia lấy cái gương An Dương Vương mất nước vì Mị Châu.

Vì thế đời đời chọn quý tức phải từ dõng dõi trâm anh thế phiệt.

Mỗi đời Cao gia đều vì việc này mà bỏ ra tâm sức lớn.
- Ta năm đó vì hậu nhân các đời tiếp theo của Cao gia mà bôn ba tìm kiếm.

Đúng lúc này thì linh khí ngàn năm tích luỹ trong long mạch lại rục rịch.

Ta thấy thế đất đã vào lúc vượng khí cao nhất, đã làm một việc ngu ngốc.
- Một lần đi trên sông Cái, ta gặp một người không ngại nguy hiểm, cứu người bị nạn.

Người này tên là Trần Lý, ta thấy người này có quý tướng.

Lại đang buổi loạn lạc mà tập trung được gia sản, quản lý điền trang, tuyển mộ người ở, giúp đỡ người khốn khó.
- Con gái nhà này lại rất thông minh xinh đẹp nên ta có cùng hắn trao đổi một việc.

Ta giải cho hắn cái thế đất đế vương cát cục để hắn táng ông nội Trần Kinh của hắn, bù lại, hoàng nữ đầu tiên khi nhà hắn lấy được ngôi báu sẽ phải làm quý tức hậu nhân của Cao gia.

Người này vui mừng nhận lời, khi giao ước hai nhà có lấy một đôi ngọc âm dương làm tin.
- Ta phá Phong địa đài ở sườn phía Đông Nhân Sơn, lại ở Đa Cương thi pháp để Trần Lý qua Long Khê chui vào bảo địa ở trán con rồng, táng tro cốt Trần Kinh ở đấy.

Nay xem ra ta quá nôn nóng rồi, chỉ vì một phút vội vàng mà phí đi tâm huyết ngàn năm của gia tộc.

Tổ tiên tính toán cái đế vương cát cục kia chính là cho ân công.
- Hắn là kỳ tài khoáng thế, ta nhìn thấy hắn định bấm tay tính số mà không tài nào lần được mảy may một chút thiên cơ.

Lại thấy kiến thức toán thuật, nghe việc luyện sắt của hắn thì nhất định là đã được tông sư chỉ điểm.

Ôi! Ta tự ngạo thông minh cả đời, thế mà làm phí tâm sức bao thế hệ Cao gia, ta còn mặt mũi nào đi gặp liệt tổ liệt tông đây.
Hắn nói đoạn đấm ngực, giậm chân, nước mắt giàn dụa.

Điền Công thấy cha buồn rầu như vậy, cũng chỉ biết ôm lấy chân cha khóc theo.

Được một lúc, Cao lão bình tĩnh lại:
- Cũng may khi trước, khi giải thế đất đế vương cát cục, ta cũng lo ngại Trần tộc có lòng phản trắc nên có giữ lại một hậu chiêu.


Cái tháp Vạn Phong Thành Thiện kia cứ một hoa giáp (60 năm) phải được người Cao gia thi triển một lần phép phong địa, nếu không thì Đế nghiệp nhà Trần sẽ lung lay.
- Ta đã làm ra việc sai lầm, các con phải ra sức sửa chữa lại.

Nhà ta là cổ đại thế gia, sau khi mất nước về tay họ Triệu, vì lời huấn tổ tiên mà chưa từng ra mặt.

Nhưng đã nhiều lần ngầm giúp sức các bậc thiếu niên anh tài trong nước.

Đinh thị, Lý thị hay Trần thị lên ngôi cũng đều do chúng ta thao túng.

Ân công giúp chúng ta phá giải thế cục ngàn năm.

Theo lời tổ huấn thì chính là chân long để chúng ta phò giúp.

Nay Trần Thị ắt vì việc này mà kiêng dè Cao gia và ân công.

Chúng ta phải dốc lòng bảo vệ ân công được chu toàn.
Điền Công chắp tay:
- Con xin nghe lời cha.

Nhưng cha giao túi gấm cho ân công và Thái Đường để làm gì?
- Thái Đường chính là hoàng nữ đầu tiên sau khi nhà Trần lấy được ngôi báu.

Trước kia nó định sẵn sau này sẽ là quý tức của Trường Cung.

Ta bắt Trần Cảnh để nó ở Tức Mắc chính là luôn để Thái Đường ở trong tầm mắt của ta.

Tức phụ nhà ta là việc hệ trọng của gia tộc, bí thuật đơn truyền nam đinh của Cao gia đâu phải dễ dàng.
- Nay việc này không cần nữa.

Cao gia đã được giải cái tổ huấn ngàn năm, đã đến lúc cho thế hệ trẻ như Trường Cung khai chi tán diệp cho Cao gia, người cũng không cần giữ lễ nữa, có thể sinh thêm con cái.

Trong túi gấm của Thái Đường chính là lời nhắc về ước hẹn khi xưa của Trần tộc với nhà ta.
- Vậy còn túi gấm của ân công?
- Chính là nửa miếng ngọc bội âm dương Cao gia đang giữ.
- Ý của cha là bắt Trần Cảnh gả Thái Đường cho Ân Công.
Cao lão vuốt râu, ánh mắt thâm thuý:
- Sao lại bắt, Thái Đường được gả cho Ân Công là phúc của Trần tộc.

Trần Cảnh là người thông minh.

Nhận được túi gấm kia và nhìn thấy Ân Công đeo miếng ngọc bội sẽ hiểu được cái ý tứ của ta.

Nếu hắn giở trò bội ước, ta có cách cho Trần tộc vận kiếp bất phục.