Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 255: Mã số 055 - Câu chuyện nối tiếp (4)




“Chuyện này nhắc tới có chút xấu hổ. Ở bệnh viện Thủ đô trong khoa phẫu thuật tim có một bác sĩ họ Lý, các anh có nghe nói qua không? Mới bốn mươi tuổi, trình độ giải phẫu đã rất cao.”

“Chúng tôi biết, ông ấy cũng là xuất thân từ gia đình chuyên làm trong ngành y, hình như cũng có tin đồn rằng tổ tiên ông ấy có liên quan đến vị danh y kia. Hai ông là họ hàng sao?”

“Không phải, không phải. Ai, cũng không hẳn là không phải... Đều là họ Lý, năm trăm năm trước nói không chừng cũng là một nhà... Nhà bọn họ trước khi ông ta ra đời, trong nhà cũng có khá nhiều người làm nghề y, nhưng không có danh tiếng gì. Chỉ có một người con rể làm đại biểu y dược, cũng biết ăn nói, đi đâu cũng nói... còn lôi cả nhà chúng tôi vào...”

“A, thì ra là như vậy.”

“Về tổ tiên nhà chúng tôi, trong trí nhớ của tôi thì chỉ biết ông nội là một thủy thủ, thủy thủ trên những chiếc thuyền ra biển đánh cá. Đến đời cha tôi mới làm bác sĩ, cho nên cũng không được tính là gia tộc gì, cũng không phải danh nhân gì cả. Để các anh phải đi một chuyến tay không rồi. Thật xin lỗi.”

“Không có gì. Ông cũng đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tin tức quan trọng rồi.”

Ngày 10 tháng 7 năm 2009, liên lạc với bác sĩ Lý Tễ khoa phẫu thuật tim bệnh viện Thủ đô. File ghi âm 05520090710.wav.

“Về việc này, nhà của tôi có gia phả ghi chép, ngược dòng về ba đời trước là ra thầy thuốc Lý.”

“Vậy chuyện này là thật?”

“Phải. Nhưng nhà của tôi không nói nhiều về việc này. Người dượng kia của tôi hay ăn nói không suy nghĩ, cô tôi vì việc này đã ly hôn với ông ấy. Các anh đường xá xa xôi đến đây, nhưng cuộc phỏng vấn lần này, tôi không có cách nào tiếp được. Thật xin lỗi.”

“Bác sĩ Lý, thật ra chúng tôi tới không phải vì vị tổ tiên kia.”

“Hả?”

“Xin hỏi gia tộc ông trước kia có sinh sống ở thành phố Bắc Dục không?”

“Các anh... Cái này...”

“Ở thành phố Bắc Dục có một câu chuyện ma rất nổi danh, lưu truyền đến hiện tại đã có chút thay đổi, mỗi người đều nói một phiên bản không ai giống ai cả. Không biết bên ông, có từng nghe nói qua không?”

“... Hô... Xin lỗi anh, tôi sinh ra ở Thủ đô... Thành phố Bắc Dục... tôi chỉ nghe ông nội tôi nhắc qua, ngay cả ông nội tôi cũng chưa từng ở chỗ đó.”

“Bác sĩ Lý, chúng tôi là được ủy thác để đến đây. Người nhờ chúng tôi tiến hành điều tra là một đôi người yêu sinh viên. Lớp bọn họ vào cuối tháng năm tụ tập lại với nhau, chơi đến lúc cuối, mọi người bắt đầu kể chuyện ma. Người mở đầu là người ở thành phố Bắc Dục nên đã kể chuyện ma ở đó. Hiện nay, lớp của họ mỗi ngày đều có một người mất tích.”

Loảng xoảng! Đùng!

“Bác sĩ Lý, có thể nói một chút cho chúng tôi về câu chuyện ma đó không? Nếu như ông có điều lo lắng, có thể chỉ cho chúng tôi một phương hướng. Việc điều tra của chúng tôi hiện nay đang lâm vào cục diện bế tắc, ở Bắc Dục bên kia, chúng tôi không tra được cái gì, từ lịch sử nhà ông, cũng không tra được cái gì. Cứ như vậy, tình trạng của những học sinh kia... Còn có những người ở Bắc Dục đến nay vẫn kể về câu chuyện này. Hẳn là ông có thể cảm nhận được, hiện nay, ở xã hội này, internet phát triển càng lúc càng nhanh. Câu chuyện vốn chỉ lưu truyền ở Bắc Dục, nay đã có người ở thành phố khác kể. Nếu như bị phát tán lên mạng...”

“Là... thật sao?”

“Nếu ông vẫn không tin, chúng tôi có thể gọi điện thoại ngay cho những sinh viên đó, cung cấp thông tin của họ để chứng minh. Tuy nhiên trừ những người bạn học của bọn họ, thì trường học, thầy giáo, người thân của những người bị mất tích đều phủ nhận sự tồn tại của họ. Nhưng trong hồ sơ ở trường học, một danh sách vốn dĩ có năm mươi người, giờ chỉ còn lại có mười mấy người, điều này vốn cũng rất không bình thường phải không?”

“Bọn họ đều là sinh viên, trong lúc kể chuyện, tại sao lại có một đứa trẻ sơ sinh chết?”

“Ồ. Thì ra là thế...”

“Theo những gì chúng tôi điều tra được, nơi bọn họ kể chuyện là một ngôi biệt thự cho thuê. Trước đây ngôi biệt thự kia từng cho người ta thuê để mở tiệc, có một cô gái ở bên trong sinh con, sau đó đem đứa bé trực tiếp ném đi.”

“... A... Như vậy, a...”

“Nếu như ông còn chưa tin, chúng tôi có ghi âm lại cuộc nói chuyện với của chủ ngôi biệt thự và của cô gái ấy.”

“Không, không phải, tôi... Tôi không nghĩ tới... Có lẽ... Gia đình chúng tôi cho rằng... Cho rằng sẽ không còn xảy ra chuyện gì nữa...”

“Là ý gì?”

“Chuyện đó đáng lẽ phải dừng rồi, đáng lẽ cũng sẽ không phát sinh nữa mới đúng... Cũng là bởi vì không xảy ra nữa, gia đình chúng tôi mới không chú ý đến, mới đi kể với người khác...”

“Bác sĩ Lý, có thể kể lại nói một chút về chuyện này không?”

“Nếu kể cụ thể... thì sẽ phải kể đến chuyện của hai ba trăm năm trước đây. Thời gian cụ thể tôi nhớ không rõ lắm. Khi đó nhà của tôi có một vị tổ tiên mở y quán, không phải ở Bắc Dục, mà ở Thủ đô. Bởi vì gia đình chúng tôi lúc ấy là gia tộc nổi tiếng, người đến y quán xem bệnh rất nhiều. Vị tổ tiên kia là thầy thuốc chính trong y quán, dẫn dắt con cháu trong nhà, còn có những thầy thuốc từ nơi khác mời đến sẽ xem bệnh cho mọi người. Một ngày nọ, có một vị phu nhân ôm theo đứa con đến xem bệnh. Đứa bé kia, theo cách nói của hiện nay là bị bệnh tim bẩm sinh, trong hoàn cảnh cổ đại, căn bản không có cách nào chữa trị. Lúc nó phát bệnh, vị tổ tiên nhà tôi cứu chữa nửa ngày cũng không cứu được. Mẹ của đứa bé cứ khóc mãi, cả người hình như đã bị đả kích đến mức có những cử chỉ điên rồ, tinh thần xuất hiện vấn đề. Người nhà bọn họ đến y quán nhà tôi náo loạn, chửi rủa, đập phá đồ đạc, cũng không đem người mẹ kia đón về. Lúc đó, cụ thể là xử lý chuyện đó như thế nào thì nhà tôi không có ghi chép lại. Chuyện này ngay từ đầu cũng không có ghi chép. Ai cũng... không để ý đến chuyện này...”

“Sau đó thì sao?”

“Y quán khôi phục kinh doanh, chỉ là, người mẹ kia lại đến nữa, vừa tới liền giội máu chó vào trong y quán, tiếp tục gây sự. Bà ta có chút điên rồ, người nhà bà ta đều mặc kệ. Vị tổ tiên nhà tôi là người lương thiện, muốn xem bệnh cho bà ta... Bệnh tâm thần, đặt ở xã hội hiện đại cũng không dễ trị, ở cổ đại chỉ có thể dùng những chén thuốc tương tự như thuốc an thần bây giờ. Bà ta uống được mấy thang, thoạt nhìn là tốt hơn rồi. Lúc nhà tôi đưa bà ta trở về, bà ta đột nhiên... đột nhiên cắn cổ của vị tổ tiên kia... Huyết quản bị cắn đứt, lúc người khác tới thì đã bị cắn xuống cả miếng thịt... Vị tổ tiên đó vì vậy mà mất đi.”

“Bà kia đâu?”

“Bị đưa đến quan phủ thời đó, bị tuyên án tử hình. Bởi vì vị tổ tiên kia là trụ cột của gia đình tôi lúc đó nên chuyện này cũng thật là... Gia đình tôi đã nhớ rất kĩ để kể lại, còn dùng để khuyên răn con cháu đời sau. Chúng tôi... Ôi...”

“Còn câu chuyện ma kia thì sao?”

“Câu chuyện ma xảy ra khi bà mẹ kia bị chặt đầu. Trong y quán nhà tôi ít đi mấy người bệnh nhân và thầy thuốc, dược đồng. Ngoại trừ người trong nhà, ai cũng nói vốn là không hề có những người đó. Sau một khoảng thời gian, lại vô duyên vô cớ thiếu vài người, tất cả mọi người lại nói vốn là không có những người đó. Ngay cả khi vị tổ tiên nhà chúng tôi nói chuyện này với những người khác, người khác đều hỏi người nhà của chúng tôi có phải bị lẫn hay không. Họ bảo nhà chúng tôi từ khi nào có một vị thầy thuốc như vậy? Người nhà chúng tôi sớm đã cảm thấy không được bình thường, mời người đến cúng bái cũng vô dụng. Chợt nhớ ra, mỗi lần thiếu người, đều là bởi vì bên trong y quán có đứa bé bị chết. Vào thời đó, trẻ em chết sớm là rất thường gặp. Những người ôm trẻ em đến y quán xem bệnh cũng không phải loại nhà giàu có gì, ở phương diện trị liệu gặp phải vô vàn vấn đề... Nhà tôi nghĩ nếu không mở khoa nhi thì tình huống sẽ chuyển biến tốt đẹp, nhưng lại có người ôm đứa trẻ đến khóc cầu xin cứu mạng...”

“Những người mất tích không hề xuất hiện nữa sao?”

“Không, nhà chúng tôi sợ quá nên dời đến Bắc Dục sinh sống. Ở Bắc Dục lại mở một y quán mới, ngay từ đầu đã nói rõ, không mở khoa nhi, làm việc cũng khiêm tốn. Sau đó, trong nhà có một người vợ mang thai sinh non, sinh ra một thai chết, ngay bên trong y quán. Mọi người trong nhà tôi đều rất hoảng nhưng lâu sau cũng không còn xảy ra chuyện gì nữa. Hỏi thăm được tình huống ở Thủ đô bên này, đem y quán bán đi, kinh doanh cái khác, cũng không có đứa trẻ nào chết nữa. Gia đình tôi dần dần yên tâm, ở bên Bắc Dục có nói ra những ghi chép trong gia tộc này cho người khác nghe. Chúng tôi vẫn cho rằng...”

“Cho rằng chuyện đã qua rồi.”

“Đúng...”

“Xin hỏi một chút, vị trí của y quán Thủ đô và Bắc Dục ở nơi nào? Gia tộc ông có ghi chép gì về mặt này không?”

“Có giấy tờ nhà đất thời cổ. Tôi có thể đem ảnh chụp cho các anh xem.”

“Cám ơn.”

“Người đàn bà có con chết kia, nhà các ông có lưu lại tư liệu gì của bà ta không?”

“Không có. Phần ghi chép ban đầu chẳng qua là một câu chuyện để răn đe con cháu, cho nên nó được ghi chép như một cuốn tiểu thuyết, không có tư liệu.”

“Vâng.”

...

Kèm theo: Ảnh chụp của một giấy tờ nhà đất.