Trà Môn Khuê Tú

Chương 133: Không hiểu




Lê ma ma vừa ra khỏi cửa viện, thấy Tô Ngọc Uyển đang cố ý thả chậm bước chân chờ mình thì vội vàng tiến lên, đỡ cánh tay Tô Ngọc Uyển hỏi: “Cô nương, trong yến hội đã xảy ra chuyện gì sao?”

Tô Ngọc Uyển gật đầu, kể lại chuyện Trần Hân Nhi tính kế mình cho Lê ma ma nghe, sau đó nói: “Ta còn đang lưỡng lự, không biết có nên nói cho mẫu thân biết hay không? Nói thì sợ bà không giấu được tâm sự, sau này tới Trần phủ lại oán trách thì sau này chúng ta và Trần phủ cũng khó ở chung, nhưng mà nếu không nói, nương cứ đơn thuần như vậy, chỉ sợ sau này sẽ bị người khác tính kế.”

Chuyện này Tô Ngọc Uyển cũng rất oán trách phụ thân. Ân thị vốn cũng không ngốc, chỉ là bà thiện tâm, dễ mềm lòng chút thôi. Nếu bắt đầu từ lúc thành thân, Tô Trường Thanh không nhốt bà trong phủ, không cho tiếp xúc với người ngoài mà từ từ dạy dỗ thì Ân thị đã không đến mức này, hơn bốn mươi tuổi rồi còn phải để con cái mình tới bảo hộ.

“Cô nương yên tâm, cứ giao chuyện này cho lão nô, lão nô sẽ nói cho phu nhân nghe, cũng phân tích lợi hại trong đó, từ từ phu nhân sẽ biết phải làm thế nào thôi.” Lê ma ma cười nói.

Tô Ngọc Uyển ôm tay Lê ma ma, dựa đầu vào vai bà, thở dài: “May mà có ma ma, nếu không ta cũng không biết phải làm sao nữa!”

Lê ma ma đau lòng sờ đầu Tô Ngọc Uyển, hai mắt cũng đỏ lên.

Người khác đều chỉ biết nói Tô Ngọc Uyển tài giỏi, chỉ có bà mới biết, cô nương nhà mình có bao nhiêu vất vả. Còn nhỏ như vậy đã phải quán xuyến mọi việc trong ngoài, lúc nào cũng sợ mình sơ xuất mà đẩy mẫu thân và đệ đệ vào khốn cảnh.

Hai người không nói gì nữa, chậm rãi đi về Trúc Thanh viện của Tô Ngọc Uyển. Bởi vì viện này được trồng rất nhiều trúc, nên Tô Trường Thanh mới đặt tên là Trúc Thanh viện. Trước đây mỗi lần Tô Ngọc Uyển theo phụ thân đến Huy Châu đều ở lại chỗ này, cho nên bây giờ nàng cũng lấy nó làm sân viện của mình.

Lê ma ma tự mình hầu hạ Tô Ngọc Uyển tắm gội, nhìn nàng ăn hết bát cháo tổ yên kia rồi đi ngủ mới an tâm trở về.

Nhưng mà Tô Ngọc Uyển chưa nằm được bao lâu đã bị Lập Xuân đánh thức: “Cô nương, Mã chưởng quầy tới đây, nói là muốn gặp cô nương. Nô tỳ thấy thần sắc của ông ấy không tốt lắm cho nên không dám trì hoãn, đành phải gọi cô nương dậy.”

Tô Ngọc Uyển cũng không mệt lắm, chỉ muốn Lê ma ma an tâm nên mới nhắm mắt dưỡng thần một lát, không ngờ lại ngủ quên mất, bây giờ đã không sao nữa. Nàng ngồi dậy, vừa mặc quần áo vừa nói: “Bảo ông ấy đợi ta ngoài sảnh, ta tới ngay.”

Lập Xuân lĩnh mệnh rời đi. Tô Ngọc Uyển rửa mặt xong rồi cũng đi tới tiền thính.

Mã chưởng quầy lo lắng, đi tới đi lui trong phòng. Thấy Tô Ngọc Uyển bước vào thì vội chắp tay thi lễ.

Tô Ngọc Uyển khoát tay, ngồi xuống hỏi: “Bên vườn trà có chuyện gì sao?”

Mã chưởng quầy thở dài nói: “Những người chúng ta mướn bên đó đều đồng loạt thôi việc, không chịu đi làm nữa. Ta còn tưởng bọn họ giở chút thủ đoạn để tăng tiền công, khuyên bảo, giải thích nhiều lần không được bèn đề nghị tăng lương, nhưng mà bọn họ cũng không đồng ý, hôm nay không có ai đi làm hết.”

“Ồ?” Tô Ngọc Uyển hơi kỳ quái.

Mặc dù mua vườn trà xong thì nàng đã trở về Hưu Ninh, sau đó lại chuyển nhà đến Huy Châu, Ân thị sinh bệnh phải hầu tật (chăm sóc), nhưng mà chuyện của vườn trà nàng đều biết rất rõ. Lúc Mã chưởng quầy thuê người nàng cũng biết.

Thôn Quế Lâm cũng xem như là thôn lớn, ban đầu người dân trong thôn cũng chỉ làm ruộng hoặc giúp đỡ người khác chăm sóc vườn trà. Nhưng mà núi nhiều việc ít, có rất nhiều lao động nhàn rỗi, không có việc để làm, cuộc sống vô cùng khốn khổ. Có điều bọn họ cũng rất thành thật.

Lúc Mã chưởng quầy tiếp quản vườn trà, cần nhiều nhân lực để khai khẩn núi hoang cho nên đã thuê đám thôn dân này tới làm việc, bọn họ còn rất vui mừng. Mã chưởng quầy cũng chọn ra trong đó mấy người chăm chỉ, phẩm hạnh đoan chính đến vườn trà giúp đỡ xử lý vườn trà.

Hiện tại đám người này không biết là muốn chơi trò gì mà lại bãi công tập thể như vậy nữa.

“Lão có điều tra thử không? Vì sao lại như vậy?” Tô Ngọc Uyển hỏi.

“Có.” Mã chưởng quầy gật đầu, “Cô nương còn nhớ Hoàng Hoài An không?”

“Nhớ.” Tô Ngọc Uyển vẫn nhớ người này. Mã chưởng quầy đã từng nói qua, người này là thương nhân Huy Châu, làm buôn bán không tệ, nhưng cũng chỉ là một thương nhân bình thường. Lúc trước hắn muốn mua vườn trà ở thôn Quế Lâm nhưng bị Mã chưởng quầy cự tuyệt.

“Chính là hắn ở sau lưng phá rối, hắn bỏ một số tiền lớn ra để những thôn dân đó không làm việc cho chúng ta nữa. Mặc dù hắn không ra mặt, mà để một tiểu thương hộ trong thành đứng ra thu mua thôn dân, nhưng ta để hạ nhân lén đi theo tiểu thương kia vài lần, cuối cùng cũng phát hiện hắn gặp mặt Hoàng Hoài An. Chuyện này ngoài trừ Hoàng Hoài An ta cũng không nghĩ ra được người nào khác.”

Tô Ngọc Uyển nhíu mày hỏi: “Lúc mướn người làm, lão có ký khế ước với thôn dân không?”

“Có.” Mã chưởng quầy gật đầu, “Ta đều làm theo phân phó của cô nương, có điều mấy thôn dân đó nói, Hoàng Hoài An nói hắn sẽ gánh chịu mọi tổn thất, nếu chúng ta muốn bồi tiền thì hắn sẽ bồi tiền.”

“Ha ha.” Tô Ngọc Uyển bật cười, nói với Mã chưởng quầy, “Không cần lo lắng, cứ kêu Hoàng Hoài An bồi tiền là được.”

“Hả?” Mã chưởng quầy ngơ ngác, “Mặc dù làm vậy có thể kiếm được ít tiền, nhưng mà vườn trà không có ai làm việc, tổn thất sẽ lớn hơn rất nhiều. Chẳng lẽ chúng ta không nên đánh trả Hoàng Hoài An sao?”

“Không cần thiết. “ Tô Ngọc Uyển xua tay, “Hắn mang tiền tới cho chúng ta, chúng ta cảm kích còn không hết, sao lại đánh trả chứ?”

Mã chưởng quầy nhíu mày, vẫn chưa hiểu ý của Tô Ngọc Uyển.

Tô Ngọc Uyển đành nói tiếp: “Ta hỏi lão, lúc trước lão đi hỏi mua mấy ngọn núi hoang gần thôn Quế Lâm kia cần bao nhiêu tiền?”

“Hai trăm năm mươi lượng bạc.” Mã chưởng quầy đáp, trong lòng cũng ẩn ẩn suy đoán được ý tưởng của Tô Ngọc Uyển.

“Hoàng Hoài An phải bồi thường giúp đám nhân công kia bao nhiu tiền?”

Mã chưởng quầy tính nhẩm một lúc mới đáp: “Khoảng ba trăm lượng.”

Tô Ngọc Uyển cười nói: “Vậy không phải xong rồi sao? Chúng ta mang tiền bồi thường đi mua mấy đỉnh núi kia, nói thế nào thì cuộc mua bán này chúng ta vẫn là người được lợi.”

Lúc thuê thôn dân, Tô Ngọc Uyển đã nói Mã chưởng quầy nhất định phải để thôn dân ký kết hiệp ước, trong đó quy định trừ phi nhân công bị thiên tai, nhân họa hoặc bởi vì sinh bệnh mà mất khả năng lao động, nếu không thôn dân phải làm việc cho vườn trà 3 năm, nếu không ngoại trừ tiền lương bị mất còn phải bồi thường phí vi phạm khế ước. Đương nhiên, Tô Ngọc Uyển cũng cho thôn dân ứng trước ba tháng lương cơ bản.

Mấy thôn dân này ngoại trừ làm ruộng ra thì ngày thường cũng không có việc gì để làm. Chỉ sợ Tô gia đổi ý không thuê bọn họ chứ có bao giờ nghĩ tới chuyện mình vi phạm khế ước đâu, cho nên cũng không để ý tới chuyện phải bồi thường hợp đồng, cứ vậy mà kí vào khế ước.

Cũng vì việc này mà Mã chưởng quầy còn thầm oán trách Tô Ngọc Uyển một đoạn thời gian. Tô gia muốn mua vườn trà và núi hoang, còn chuyển nhà đến Huy Châu, cơ hồ đã tiêu hao hết toàn bộ tích cóp trong nhiều năm rồi, tiền bạc đã không còn nhiều, hắn cũng không dám thuê nhiều nhân công một lúc, cho nên mới kéo dài thời gian khai phá núi hoang đến vậy. Tô Ngọc Uyển lại khen ngược, cho thôn dân ứng trước ba tháng tiền lương, khiến hắn vô cùng khó hiểu.